Món ngon dân dã đất cố đô Hoa Lư
Không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp xứ cố đô, nhà thờ đá Phát Diệm, khu hang động Tràng An, hay thế giới thiên nhiên của rừng Cúc Phương… đất Ninh Bình còn được biết đến bởi nhiều món ăn bình dân hấp dẫn.
Dê núi
Thịt dê núi Ninh Bình ngon hơn các vùng khác bởi được nuôi trên núi đá vôi, ăn đa dạng các loại lá cây nên thịt săn chắc hơn. Từ thịt dê có thể chế biến hàng chục món khác nhau, nhưng ngon nhất vẫn là tái dê. Món tái dê được làm rất kỹ lưỡng từ khâu ủ thịt tươi vào lá sả hoặc lá cúc tần để mất mùi hôi đến các loại công đoạn phức tạp khác. Tái dê thường ăn kèm với chuối chát, khế, rau thơm, các loại lá và quan trọng nhất là món nước chấm tương gừng đặc biệt.
Nem chua Yên Mạc
Số người có thể làm được loại nem đặc biệt này hiện nay không nhiều bởi ngoài bí quyết nhà nghề đòi hỏi phải có quy trình chế biến tuân thủ hết sức nghiêm ngặt. Ngoài việc chọn lọc và chế biến thịt cần cẩn thận thì khâu gói cũng rất quan trọng. Lớp lá trong cùng thường được dùng bằng lá ổi có vị bùi, chát thích hợp. Bên ngoài là lớp áo bằng lá chuối còn tươi, nem được gói thật chặt và kín để chóng lên men chua và để được lâu. Nem được ăn kèm với chút lá ổi, lá sung, cùng rau thơm cuộn lại, chấm với nước mắm chanh, tỏi thêm ớt hoặc hạt tiêu.
Cơm cháy
Người dân Ninh Bình, ai cũng thuộc câu “rượu ngon, cơm cháy, thịt dê” và đó thực sự là những đặc sản không thể bỏ qua của đất cố đô. Cơm cháy xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 và sau một thời gian phát triển, đến nay đã trở thành món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa cơm đãi khách phương xa của người Ninh Bình.
Cơm cháy được chế biến và bán quanh năm.
Cơm đúng tiêu chuẩn phải chọn gạo rất cầu kỳ, pha đúng tỷ lệ giữa các loại gạo nếp và gạo tám. Để tạo xém, phải dùng nồi gang dày và xoay tròn trong quá trình nấu để trắng đều và tự bong ra khỏi thành nồi. Sau khi nấu, xém được phơi hoặc sấy khô, bọc kín trong túi nilon để dùng dần. Khi ăn mới cho những miếng xém vào chảo dầu sôi chưng lên.
Gỏi cá nhệch
Cứ vào cữ mưa ngâu độ 2 tháng là mùa đi bắt cá nhệch. Cá nhệch cùng họ với lươn nhưng nhệch sống ở nơi nước hơi mặn (nhệch củ) và sống ở nước lợ (nhệch khét). Có lẽ bởi cá nhệch trơn và dữ tợn, đánh bắt không dễ dàng nên món cá nhệch đã trở thành đặc sản.
Món gỏi cá nhệch được ưa chuộng nhất.
Cá nhệch có thể chế biến được nhiều món như kho, rán, nấu canh chua, om… Nhưng món gỏi cá nhệch là được ưa chuộng nhất. Thịt cá tươi cắt thành lát có màu hồng giống màu thịt cá quả. Thính được làm bằng gạo nếp rang, giã nhỏ mới có mùi thơm và bùi. Thịt cá nhệch được trộn nhanh với thính cho thơm, còn da cá rán giòn để cuộn với gỏi. Khi ăn, mỗi người tùy theo khẩu vị để cuốn gỏi bằng da cá rán hoặc bằng các thứ lá.
Rượu Kim Sơn
Lúa nếp gặt về phơi khô, hong sạch cho vào chum bảo quản để nấu rượu. Để có men quý người ta cho vào đó một số dược liệu có tác dụng thông khí huyết, diệt khuẩn. Để có được rượu ngon người nấu phải có kinh nghiệm lâu năm, nhất là việc bảo quản ủ rượu trong các điều kiện thời tiết và môi trường khác nhau.
Những vò rượu Kim Sơn.
Những cô gái Phát Diệm, thị trấn Kim Sơn có làn da trắng ngần, mịn màng, với đôi mắt thẳm sâu mơ màng thường đi bán rượu rong khắp nơi. Tiếng mời chào của họ nồng đượm, ngọt ngào và ngân như chuông và không hiểu có phải từ đó mà hình thành câu thơ như một lời hẹn thề với rượu Kim Sơn: Còn trời, còn nước, con non/ Còn cô bán rượu, anh còn say sưa.
Mắm tép Gia Viễn
Món mắm tép Gia Viễn nổi tiếng thường được nhiều du khách chọn làm quà có nguồn gốc từ loại tép diu được chọn lựa kỹ lưỡng. Tép diu có thân tròn, nhỏ con, màu xanh lam và phải còn tươi được đem rửa sạch và làm khô. Sau đó lấy thính gạo rang vàng giã nhỏ, cùng với muối chộn đều với tép theo tỷ lệ, rồi bỏ vào hũ bịt kín trên một tháng mới đem nấu chín ăn.
Bát mắm tép được múc ra mầu đỏ tươi, có mùi thơm ngọt, rất hấp dẫn. Người ta có thể giang mắm tép với thịt ba chỉ. Ăn mắm tép Gia Viễn không cần cho thêm bột ngọt, vẫn có vị ngon, ngọt, đậm đà. Ngày nay mắm tép Gia Viễn đã trở thành món ăn đặc sản của các bữa tiệc khi có thêm đĩa rau ngon bên cạnh.
Theo VnExpress
Comments